Lặn ngắm san hô – trải nghiệm mới cho du khách đến Cô Tô
Từ tháng 4, khách du lịch Cô Tô có thể trải nghiệm lặn ngắm san hô tại những vùng biển hoang sơ.
Đi bộ dưới đáy đại dương, lặn ngắm san hô không phải là sản phẩm du lịch mới tại Việt Nam. Nhưng với huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh – nơi công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường thiên nhiên được chính quyền địa phương coi là tài nguyên du lịch – việc khám phá đại dương, những rạn san hô cũng theo quy trình rất nghiêm ngặt.
Đơn vị thiết kế tour này là công ty TNHH Khám phá Cô Tô (khu 4, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) chạy thử nghiệm từ tháng 9.2022. Bắt đầu từ 1.4.2023, tour du lịch chính thức đưa vào khai thác.
Diện tích khu vực bãi lặn ngắm san hô tại xã Thanh Lân, huyện Cô Tô gồm 3 điểm: Hòn Chim (2 ha), bãi Vụng Tròn (2 ha) và bãi Ngọc Trai (3 ha).
Ông Phạm Văn Đức – Giám đốc Công ty TNHH Khám phá Cô Tô – cho biết: “Để chuẩn bị cho tour du lịch này, công ty đã tập huấn cho huấn luyện viên, hướng dẫn viên tuân theo các quy tắc ứng xử, an toàn bảo vệ môi trường khu vực lặn. Nếu du khách không tuân thủ quy tắc, chúng tôi sẽ cưỡng chế lên khỏi mặt nước”.
Hướng dẫn viên luôn theo sát du khách, một kèm một để đảm bảo an toàn cũng như nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến san hô và môi trường; tuyên truyền về vai trò của rạn san hô, những ảnh hưởng của các hành vi xâm hại đến san hô.
Để tham gia tour du lịch, du khách phải tuân thủ những quy tắc, hướng dẫn của hướng dẫn viên như không đeo găng tay, không chạm vào san hô và các sinh vật biển, không dẫm đạp, đứng lên san hô, không khuấy đục đáy biển…
Tuy nhiên, để sản phẩm du lịch này hoàn thiện, địa phương cũng cần thực hiện nhiều giải pháp. Tiến sĩ Đặng Đỗ Hùng Việt – Viện Tài nguyên và Môi trường biển bày tỏ: “Quảng Ninh cần có thêm nhiều đề tài, dự án nghiên cứu của các nhà khoa học về nhân giống, trồng phục hồi rạn san hô ở Cô Tô hơn nữa”.
Tiến sĩ Đặng Đỗ Hùng Việt đề xuất thiết lập thêm các rạn san hô nhân tạo, khoanh vùng bảo vệ khu vực có nhiều san hô. Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến chất lượng môi trường nước, có phương án xử lý nước thải trước khi thải ra biển, xử lý các sự cố môi trường như tràn dầu, ô nhiễm biển… Thiết kế các phao nổi để neo đậu tàu thuyền ở khu vực có nhiều san hô, tránh thả neo vào san hô.
Trước đó, tháng 8.2022, chính quyền địa phương đã xử phạt nhắc nhở đoàn khách du lịch lặn ngắm san hô tại xã Đông Tiến, huyện Cô Tô, khi một du khách di chuyển san hô khỏi vị trí lên mặt nước chụp ảnh. Hành động này gây ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của các loại thủy sản và quá trình tái tạo, phục hồi rạn san hô.
Ông Nguyễn Hải Linh – Trưởng Phòng Văn hóa thông tin và du lịch huyện Cô Tô – cho biết: “Địa phương đã chỉ đạo phòng Tài nguyên môi trường và Nông nghiệp cùng với UBND xã Thanh Lân phối hợp giám sát, đánh giá tác động môi trường định kỳ. Đây sẽ là loại hình du lịch giúp những người dân chuyển đổi nghề từ đánh bắt sang bảo tồn, giữ gìn phát triển dịch vụ du lịch xã Thanh Lân”.
Ông Nguyễn Hải Linh khẳng định Cô Tô đang quyết tâm thành lập khu bảo tồn biển, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi hủy hoại môi trường cũng như hủy hoại san hô.